Một cặp vợ chồng ở Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể đến từ 1 thói quen dùng bếp gas.
Ngày 07/04/2025, Đời sống pháp luật đưa tin “2 vợ chồng cùng mắc ung thư: Bác sĩ chỉ ra 1 sai lầm “chí mạng” khi dùng bếp gas”. Nội dung chính như sau:
Hai vợ chồng lần lượt mắc ung thư phổi
Câu chuyện xảy ra với gia đình của bà Ngô (65 tuổi, Đài Loan, Trung Quốc). Theo chia sẻ, bà Ngô cùng chồng đã cùng nhau mở một nhà hàng buffet và trực tiếp đứng bếp trong suốt 20 năm, trang TVBS News đưa tin.
Khoảng 2 năm trước, chồng bà Ngô đi khám và đột ngột phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Dù đã tích cực điều trị nhưng sau 1 thời gian, chồng bà Ngô đã qua đời.
Gần đây, bà Ngô thường xuyên bị khó thở nên đã đi khám. Kết quả bà Ngô được chẩn đoán mắc ung thư phổi với khối u có kích thước 0,3cm.
Hai vợ chồng bà Ngô lần lượt phát hiện mắc ung thư phổi.
Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện vợ chồng bà Ngô thường nấu ăn bằng bếp gas trong căn bếp kín của nhà hàng. Hai người cũng không hề lắp máy hút mùi hay quạt thông gió bên trong.
Bác sĩ Trần Quân Lâm, làm việc tại bệnh viện Mackay Memorial, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết trong quá trình nấu ăn bằng bếp gas có thể thải ra không khí một lượng nhất định khí NO2 và các hạt bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có đường kính 2,5 micromet).
Bác sĩ cảnh báo nấu ăn trong phòng bếp kín khiến khí NO2 và hạt bụi mịn tồn tại lâu trong không khí với nồng độ cao, thậm chí có thể cao hơn so với ở không khí bên ngoài môi trường.
Tiếp xúc lâu dài với môi trường có nồng độ khí NO2 và PM2.5 cao không chỉ gây kích ứng đường hô hấp, gây ra các vấn đề như hen suyễn, viêm phế quản mà còn làm tăng khả năng mắc ung thư phổi, bác sĩ Trần Quân Lâm nói thêm.
Ngoài ra, bụi mịn PM2.5 có thể gây ra phản ứng viêm và sản sinh ra các gốc tự do, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và mạch máu não.
Quá trình nấu ăn bằng bếp gas có thể thải ra không khí một lượng khí NO2 và các hạt bụi mịn PM2.5.
Nghiên cứu nói gì?
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Which? của Anh cũng đã chỉ ra rằng hoạt động nấu nướng bằng bếp gas hàng ngày có thể thải ra các hạt bụi mịn (PM2.5) gây ô nhiễm không khí trong nhà. Nghiên cứu tiến hành theo dõi 5 tình nguyện viên, 4 trong số họ sử dụng bếp gas, chỉ 1 người dùng bếp từ.
Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng 3/4 tình nguyện viên sử dụng bếp gas đã trải qua mức PM2.5 trong không khí là hơn 100 microgam trên mét khối nhiều lần. Và một tình nguyện viên đã trải qua mức PM2.5 trong không khí đạt đỉnh là gần 650 microgam trên mét khối. Trong khi đó, giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với PM2.5 chỉ là 15 microgam trên mét khối.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phát hiện ra sử dụng bếp gas có thể thải ra khí Nitơ dioxide (NO2). Nồng độ cả PM2.5 và NO2 vẫn tăng cao trong nhiều giờ sau khi nấu, gây ô nhiễm nhanh chóng trong nhà.
NO2 và PM2.5 là một trong những chất gây hại cả ở trong nhà và ngoài trời. Do đó, việc tiếp xúc lâu dài với các chất gây hại này có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe chẳng hạn như các vấn đề về hô hấp, bao gồm hen suyễn, ho và thở khò khè.
Theo thông tin đăng tải trên trang The Guardian, PM2.5 có liên quan đến việc làm trầm trọng hoặc phát triển thêm một số bệnh, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh Parkinson.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại PM2.5 là chất gây ung thư Nhóm 1, có thể tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, trang News Medical viết.
Lời khuyên của chuyên gia
Tiến sĩ Monica Mateo-Garcia tại Đại học Thành phố Birmingham, Anh khuyên người tiêu dùng nên sử dụng quạt thông gió, máy hút mùi hoặc mở cửa sổ, cửa ra vào khi nấu ăn bằng bếp gas vì điều này giúp loại bỏ nhanh chóng các chất ô nhiễm trong nhà.
Báo Người đưa tin ngày 08/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Gia đình có 9 người mắc ung thư, 8 người đã qua đời, bác sĩ chỉ ra sự thật” cùng nội dung như sau:
Tờ HK01 đưa tin, câu chuyện đáng chú ý xảy ra tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Theo truyền thông Trung Quốc, người đàn ông họ Tần, ngoài 60 tuổi, một thành viên trong gia đình này, gần đây đến bệnh viện kiểm tra vì ho dai dẳng kèm theo hiện tượng khạc ra máu. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông bị ung thư phổi.
Trong quá trình ông Tần điều trị, em trai của ông cũng được xác nhận mắc đồng thời ung thư phổi và ung thư gan, đã qua đời không lâu sau đó.
Khi tìm hiểu sâu hơn, bác sĩ phát hiện ra một sự thật: Trong gia đình của ông Tần, qua ba thế hệ, có tới 9 người từng bị chẩn đoán ung thư.
Trước đó, thế hệ ông bà của ông Tần có 1 người bị ung thư thực quản, 2 người bị ung thư dạ dày. Bố ông Tần làm việc trong môi trường phức tạp và mắc ung thư phổi. Ngoài em trai ông Tần, hai người chú và anh trai cả của ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Tất cả đều qua đời vì căn bệnh ung thư.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân bệnh tật của gia đình ông Tần rất phức tạp, có thể liên quan đến môi trường độc hại. Đặc biệt, gia đình này có tiền sử hút thuốc lâu dài. Chính ông Tần cũng tiết lộ: “Tôi đã hút thuốc 50 năm nay, mỗi ngày hút 2-3 bao thuốc”.
Kết quả xét nghiệm chuyên sâu còn cho thấy gia đình ông Tần mang đột biến gene hiếm gặp, đây có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh ung thư di truyền suốt ba thế hệ. Tuy nhiên, các bác sĩ không tiết lộ đây là loại gene nào.
Câu chuyện của gia đình ông Tần sau đó đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình rằng yếu tố gene có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư trong gia đình.
“Thực ra, ung thư có liên quan mật thiết đến gene. Bố tôi có 8 anh chị em, trong đó, có tổng cộng 4 người mắc ung thư. Ông nội tôi mất vì ung thư, con gái của dì cả tôi cũng bị ung thư. Vì vậy, một số bệnh ung thư có thể di truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau”, một người dùng mạng xã hội chia sẻ.
Một người khác viết: “Gần nhà tôi cũng có một gia đình có nhiều thành viên trong nhà cùng mắc ung thư”.
Dù yếu tố di truyền không thể thay đổi, bác sĩ nhấn mạnh rằng lối sống lành mạnh, như việc bỏ thuốc lá, hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ảnh minh hoạ.
Giáo sư Trương Khải, chuyên gia từ Khoa Phòng chống Ung thư, Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc, cho biết, trong số các ca mắc ung thư, chỉ có 5% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, khoảng 20% trường hợp mắc ung thư có liên quan đến đột biến gene, còn lại là do các yếu tố khác.
Bác sĩ Khải giải thích thêm: Việc có người thân mắc ung thư không đồng nghĩa cả gia đình đều thuộc nhóm nguy cơ cao. Để đánh giá chính xác nguy cơ của bản thân khi gia đình có tiền sử ung thư, cần xem xét 4 yếu tố chính, cụ thể:
1. Số lượng người trong gia đình mắc bệnh
Nếu trong gia đình chỉ có một người mắc ung thư, mọi người không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có 2-3 thành viên trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột, con cái) mắc cùng một loại ung thư, chuyên gia khuyến nghị mọi người nên xem xét yếu tố di truyền và xét nghiệm gene nếu cần thiết.
2. Độ tuổi mắc bệnh
Mọi người cần xem xét độ tuổi mắc ung thư của các thành viên trong gia đình. Ví dụ, độ tuổi trung bình mắc ung thư vú ở các nước Đông Á là 45-49 tuổi; độ tuổi trung bình mắc ung thư cổ tử cung là 51 tuổi; độ tuổi trung bình mắc ung thư tủy xương là khoảng 65 tuổi và ung thư buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 40-60… Nếu một người thân trong gia đình bạn mắc bệnh ung thư ở độ tuổi 30 thì đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
3. Loại ung thư hiếm gặp
Nếu người thân mắc phải ung thư hiếm gặp, chẳng hạn như nam giới trong gia đình mắc ung thư vú, nguy cơ di truyền cũng sẽ cao hơn.
4. Yếu tố Gene
Nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên xét nghiệm gene BRCA. Nếu xét nghiệm phát hiện đột biến gen BRCA1/2, nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ châu Á có thể lên tới 56%, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là từ 23-54%, cao hơn hẳn so với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở phụ nữ bình thường là khoảng 1%.
Giáo sư Trương Khải cho biết, dù gene đóng vai trò quan trọng, lối sống vẫn là yếu tố then chốt để kiểm soát nguy cơ. Bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tầm soát sức khỏe định kỳ có thể là “tấm khiên” bảo vệ bạn trước căn bệnh quái ác này.