Thị trường trái phiếu xanh, tín chỉ carbon còn nhiều dư địa

“Các ngân hàng thương mại có thể tham gia với vai trò là tổ chức tư vấn xanh, hay cung cấp dịch vụ thanh toán tín chỉ carbon tương tự như cách Vietcombank đang làm rất tốt trên thị trường trái phiếu riêng lẻ”, chuyên gia từ Bộ Tài chính và ADB “hiến kế”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 2/4/2025, tại Trụ sở chính số 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, thực tiễn và kinh nghiệm triển khai tại Vietcombank”.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank – cho biết, trong xu thế chung của thị trường, Vietcombank đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời triển khai nhiều hành động để thực hành ESG tại hệ thống. Đáng chú ý vào năm 2024, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và những quy định tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - phát biểu khai mạc.

Ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank – phát biểu khai mạc.

“Những giá trị mà Vietcombank đã tạo dựng được là những hành động bước đầu, đặt nền móng cho xu hướng phát triển mới. Nhìn rộng ra, thị trường tài chính xanh nói chung và thị trường trái phiếu xanh nói riêng còn nhiều dư địa phát triển. Hội thảo ngày hôm nay sẽ gợi mở các cơ hội để Vietcombank tiếp tục khai phá thị trường này, nhằm phục vụ cho khách hàng tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển bền vững nền kinh tế quốc dân”, ông Lê Hoàng Tùng chia sẻ.

Hội thảo được lắng nghe hai tham luận “Phát triển thị trường tài chính xanh châu Á – Những kết quả và bài học cho Việt Nam” do TS Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trình bày; và tham luận “Tiêu chí lựa chọn dự án xanh trong phát hành trái phiếu xanh: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường diễn giảng.

TS Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - trình bày trong Hội thảo.

TS Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – trình bày trong Hội thảo.

Đáng chú ý, chuyên gia đã trình bày một số gợi ý cho khu vực ngân hàng, đơn cử là từ các danh mục khoản vay xanh hiện có, cần xây dựng năng lực đánh giá hiệu quả về ESG.

Bên cạnh đó, khi huy động vốn, nhiều tổ chức tín dụng sau khi phát hành đã tái cấp vốn nguồn vốn xanh huy động cho khách hàng đang có, nhằm xây dựng danh mục xanh tương đối nhanh, cũng là một cách nâng cao năng lực thẩm định các dự án xanh của cán bộ ngân hàng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng có thể phát triển thêm dịch vụ tư vấn xanh cho doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - trình bày tham luận.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường – trình bày tham luận.

Cuối Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự có phần thảo luận trên tinh thần khoa học, cởi mở, thẳng thắn với nhiều thông tin hữu ích và các góc nhìn thực tiễn mới mẻ, sáng tạo liên quan đến trái phiếu xanh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các diễn giả gợi mở thêm một thị trường ngách trong tài chính xanh, đó là tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Thăng Long – Chuyên gia trái phiếu xanh, Vụ các định chế tài chính, Bộ Tài chính – cho biết, mới đây Thủ tướng ban hành quyết định 232 về phê duyệt chiến lược thị trường carbon tại Việt Nam, muộn nhất năm 2027 triển khai thí điểm thành công; và mong muốn các tổ chức sẽ nghiên cứu và tham gia vào thị trường này.

Đặc biệt với các ngân hàng thương mại như Vietcombank có thể tham gia với vai trò tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán tương tự như cách Vietcombank đang làm rất tốt trên thị trường trái phiếu riêng lẻ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – cho biết, để phát triển thị trường tín chỉ carbon, ngân hàng đóng vai trò quan trọng.

Thứ nhất, chứng chỉ carbon đến từ chính các doanh nghiệp xanh. Trong quá trình thẩm định các dự án xanh, nếu các dự án có tiềm năng và ra được chứng chỉ, bản thân cán bộ ngân hàng có thể tư vấn nhằm giúp các doanh nghiệp có định hướng, tức là ngoài tư vấn về khoản vay xanh, ngân hàng có thể tư vấn độ sẵn sàng của doanh nghiệp về chứng chỉ carbon.

Thứ hai, sau khi có chứng chỉ, “để vào được chợ”, ngân hàng đóng vai trò là thúc đẩy hoạt động của “chợ” và cần có công cụ tài chính liên quan như sản phẩm tái sinh từ chứng chỉ carbon…

Nhấn mạnh thêm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường – cho biết các tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank khi cấp trái phiếu xanh, tín chỉ carbon có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, báo cáo, xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn trên thị trường.

Hội thảo đã cung cấp một bức tranh toàn diện về thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, thực tiễn và kinh nghiệm triển khai tại Vietcombank, cơ hội và thách thức, cũng như gợi mở các giải pháp thực tế trong triển khai trái phiếu xanh, từ quá trình phát hành, giải ngân đến kiểm soát sử dụng vốn tại ngân hàng.

Hà An

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *