Người phụ nữ chi 300 triệu mua vòng vàng, vừa rời đi thì bị cửa hàng kiện: Chúng tôi không bán mức giá này

Chị Trương Minh Hoa, 42 tuổi, sống tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), là trưởng phòng kế toán của một công ty nước ngoài. Sau nhiều năm làm việc miệt mài và tiết kiệm, chị quyết định tự thưởng sinh nhật tuổi 42 bằng một bộ trang sức vàng 24K gồm vòng tay, vòng cổ và nhẫn, tất cả đều được đặt thiết kế riêng với tên chị được khắc tỉ mỉ.

Tổng giá trị bộ trang sức được nhân viên báo giá là 88.000 nhân dân tệ, (~300 triệu đồng). Đây là mức giá đã bao gồm ưu đãi giảm 12% trong ngày khuyến mãi đặc biệt dành cho khách mua trọn bộ.

“Đó là một dịp quan trọng với tôi. Tôi không thường tiêu xài nhiều, nên lần này mới muốn làm điều gì đó cho bản thân. Thấy giá hợp lý, tôi thanh toán luôn bằng chuyển khoản ngân hàng,” chị Hoa chia sẻ.

Người phụ nữ chi 300 triệu mua vòng vàng, vừa rời đi thì bị cửa hàng kiện: Chúng tôi không bán mức giá này- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chị nhận được hóa đơn thanh toán đầy đủ, được xác nhận bởi cả nhân viên lẫn quản lý. Do bộ trang sức cần thời gian để hoàn tất khâu khắc tên và đóng hộp, cửa hàng hẹn chị quay lại sau 2 tiếng để nhận hàng.

Tuy nhiên, chưa đầy 30 phút sau khi rời cửa tiệm, chị Hoa nhận được cuộc gọi từ chính cửa hàng với một thông báo gây sốc: giá chị vừa thanh toán hoàn toàn sai và giao dịch cần phải bị hủy lập tức.

“Bộ vòng chị đặt thực chất có giá là 260.000 NDT (gần 900 triệu đồng). Do lỗi hệ thống định giá, phần mềm đã hiển thị sai con số. Mong chị quay lại ngay lập tức để xử lý,” nhân viên cửa hàng nói trong điện thoại.

Chị Hoa lập tức quay lại cửa hàng, mang theo hóa đơn, xác nhận chuyển khoản và bản sao hợp đồng đặt hàng. Tại đây, chị được đề nghị hoàn tiền và hủy giao dịch. Đổi lại, cửa hàng sẽ “bồi thường thiện chí” thêm 1.000 NDT (khoảng 3 triệu đồng) vì sự bất tiện.

Nhưng chị Hoa thẳng thắn từ chối. “Tôi không gian lận, không mặc cả. Giá sao thì tôi mua vậy. Bên anh báo giá, tôi thanh toán. Giờ quay ra bắt tôi chịu lỗi thì không hợp lý,” chị nói.

Cửa hàng không đồng ý giao bộ trang sức và cũng không thể thuyết phục được chị hủy giao dịch. Vụ việc nhanh chóng được đưa lên Tòa án Nhân dân quận Nam Sơn chỉ ba ngày sau đó.

Người phụ nữ chi 300 triệu mua vòng vàng, vừa rời đi thì bị cửa hàng kiện: Chúng tôi không bán mức giá này- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Ra tòa vì hệ thống định giá lỗi

Tại phiên xét xử, cửa hàng vàng tuyên bố giao dịch cần bị hủy vì đây là một sai sót nghiêm trọng về định giá do lỗi phần mềm nội bộ. Theo phía cửa hàng, bộ trang sức chị Hoa đặt mua được niêm yết sai giá chỉ trong vòng chưa đến 15 phút và chị đã “vô tình hưởng lợi từ sai lầm đó”.

Luật sư của chị Hoa phản biện: Giá được niêm yết công khai, khách mua đã trả tiền đầy đủ, có hóa đơn, đó là một hợp đồng dân sự hợp pháp. “Khách hàng không phải là lập trình viên. Nếu phần mềm sai, trách nhiệm thuộc về người bán,” ông nói.

Tòa án sau khi xem xét hồ sơ, đã viện dẫn Điều 147 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, quy định về giao dịch trong tình trạng nhầm lẫn nghiêm trọng và ra phán quyết hủy giao dịch.

Tuy nhiên, tòa cũng khẳng định chị Hoa hoàn toàn không sai, vì vậy chị không chịu bất kỳ khoản phạt hay trách nhiệm pháp lý nào. Cửa hàng phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận, đồng thời bồi thường 1.500 NDT (khoảng 5 triệu đồng) cho thời gian và tổn thất tinh thần của chị.

Dù cửa hàng giành được phần thắng về mặt pháp lý, họ lại nhận phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Hàng nghìn bình luận chỉ trích doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh, ép khách chịu hậu quả vì lỗi của mình và hành xử kém chuyên nghiệp.

Một người dùng viết “Nếu bạn dán giá sai, bạn chịu trách nhiệm. Không thể quay ra kiện khách vì lỗi hệ thống của chính mình.”

Trường hợp của chị Hoa làm dấy lên tranh luận: Giá niêm yết sai, ai là người gánh rủi ro? Luật pháp Trung Quốc cho phép huỷ giao dịch nếu chứng minh được yếu tố nhầm lẫn nghiêm trọng, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt khi họ mua hàng với đầy đủ hóa đơn, thanh toán và xác nhận.

Luật sư Thái Dương, chuyên về tranh chấp thương mại tại Bắc Kinh, cho rằng “Đây là bài học cho cả doanh nghiệp và người mua. Người bán cần đầu tư hệ thống chính xác hơn. Người mua thì cũng nên hiểu rằng, một mức giá quá hời so với thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro bị tranh chấp.”

Với chị Hoa, dù không mất tiền và còn được bồi thường, nhưng trải nghiệm này để lại không ít bức xúc. “Tôi mua để vui, cuối cùng lại ra tòa,” chị chia sẻ. Chị cho biết sẽ vẫn mua vàng trong tương lai nhưng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn về nơi mua, chính sách và uy tín thương hiệu.

Về phía cửa hàng, dù được xử thắng kiện, nhưng họ đã phải hứng chịu hậu quả về uy tín thương hiệu, một cái giá đôi khi còn đắt hơn cả một giao dịch sai.

Theo Toutiao

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *