Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao, các đối tượng đã sử dụng loại chất cấm có tên “nước kẹo” để tưới cho giá đỗ. “Nước kẹo” có tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP). Loại chất cấm này khi sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Ngày 19/04/2025 Dân Việt đưa tin “Nghệ An: Nhóm đối tượng dùng gần 2.000 chiếc lu, sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ từ chất cấm”. Nội dung chính như sau:
Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Lực lượng chức năng tiến hành niêm phong các thùng chứa giá đỗ ngâm hóa chất. Ảnh: CANA
Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đường dây này do một số đối tượng ngoại tỉnh cấu kết với đối tượng trên địa bàn hoạt động sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận cao hơn bình thường.
Nhóm đối tượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: CANA
Sau một thời gian điều tra, ngày 11/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu chủ trì phối hợp với Công an các phường: Trung Đô, Vinh Tân, Nghi Phú và Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường), Phòng 3, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh. Công an bắt giữ 4 đối tượng đây là chủ cơ sở sản xuất giá đỗ trên về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997, cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998, cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao, các đối tượng đã sử dụng loại chất cấm có tên “nước kẹo” để tưới cho giá đỗ. “Nước kẹo” là loại chất cấm này khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Tang vật thu giữ gồm gần 2.000 chiếc lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP)) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Theo cơ quan chức năng, hóa chất 6 – Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất là chất cấm, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong.
Quá trình điều tra mở rộng chuyên án, Cơ quan điều tra làm rõ: Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao hơn, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ.
Báo VnExpress ngày 16/4 có bài Hoang mang khi phát hiện nuôi con bằng sữa giả. Nội dung như sau:
“Cả đêm tôi mất ngủ, nhìn con mà xót xa, tự trách mình”, chị Liên, ở Tứ Kỳ, Hải Dương chia sẻ.
Con trai chị Liên dùng sữa ngoài từ khi 18 tháng, đến nay đã gần hai năm, mỗi ngày hai cữ. Sau nhiều lần đổi các hãng khác nhau, cậu bé chịu uống loại PC100, loại được quảng cáo dành cho trẻ 1-6 tuổi biếng ăn, chậm lớn, thấp còi cần bổ sung dinh dưỡng, với nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand.
Trung bình một ngày con chị dùng ba cữ sữa, đến nay đã uống khoảng 30 hộp, mỗi hộp giá 460.000 đồng.
Chị Liên nói giận nhất khi nhớ lại nhiều ngày con ốm không ăn uống được gì, chỉ nuốt được vài thìa sữa, cuối cùng lại là sữa giả. Hiện tại cân nặng, chiều cao con không chênh lệch nhiều với lứa tuổi, chị vẫn hối hận “giá như được uống sữa thật có lẽ đã phát triển tốt hơn.
Loại sữa chị Liên sử dụng cho con một năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại Văn Chấn, Yên Bái, vợ chồng anh Thái Nguyễn, 36 tuổi cũng bàng hoàng khi biết con mình uống phải sữa giả hơn một năm qua. Hai con anh học lớp 5 và 7, thấp còi hơn so với các bạn nên được bố mẹ bổ sung thêm sữa công thức với hy vọng tuổi dậy thì có thể phát triển tốt nhất.
Chị Hà (vợ anh) chọn sản phẩm Morkid, sau khi được quảng cáo nguyên liệu sữa non nhập khẩu 100%, chiết xuất tổ yến, giúp trẻ từ 1-15 tuổi tăng cân, tăng đề kháng, phát triển toàn diện.
Hộp sữa 900 gram chị Hà mua với giá 490.000 đồng có cùng một nguồn gốc với sản phẩm chị Liên đã mua, thuộc công ty Rance Pharma. Theo đánh giá của người mua, các loại sữa này không rẻ, có bao bì bắt mắt, kèm những lời quảng cáo như chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo… phù hợp cho trẻ nhỏ, người tiểu đường, phụ nữ mang thai.
Chúng nằm trong đường dây làm giả với quy mô phủ sóng cả nước, đã tồn tại suốt bốn năm. Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can, trong đó có Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà, giám đốc và cổ đông sáng lập Công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Các sản phẩm của hai công ty này quảng cáo dành cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng đều dùng chung công thức, nguyên liệu.
Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra. Doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.
Đáng nói, trong suốt thời gian hoạt động, các doanh nghiệp này vẫn vận hành với hồ sơ giấy tờ đầy đủ, đạt chứng nhận FDA của Mỹ, xướng tên các giải thưởng uy tín hàng năm. Họ thuê người nổi tiếng và bác sĩ xuất hiện trong hàng loạt video trên mạng, góp phần tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt với trẻ nhỏ. Sữa giả không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất gây nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ. Với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Sữa giả dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chất phụ gia không được kiểm soát gây nhiều rủi ro cho người dùng như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, bổ sung thêm: “Người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì sữa giả nên không bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác”.
Một loại sữa bột giả có giá bán 500.000 đồng hộp 900 gram của công ty Rance Pharma vừa bị phát hiện hàng giả. Ảnh: Hà Nguyễn
Chuyên gia dinh dưỡng Phan Thái Tân, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM và Học viện Dinh dưỡng tích hợp IIN (Mỹ) cho biết, những loại sữa giả, sữa kém chất lượng này không chen được vào siêu thị lớn, chúng tấn công các thị trấn, vùng nông thôn, phòng khám, hội chợ, bệnh viện.
Ba ngày qua, ông Tân nhận hàng trăm tin nhắn bày tỏ sự lo lắng vì dùng phải sữa giả. Có người mẹ ở Cần Thơ nói con họ sinh non, thiếu tháng uống phải sữa giả. Có những người con cho biết mua phải sữa giả cho bố mẹ ốm bệnh theo đơn kê từ bác sĩ. Nhiều người già khác bất chấp con cái khuyên nhủ vẫn tin dùng các sản phẩm sữa bị thổi phồng qua quảng cáo, hội thảo, hay từ người quen.
“Tất cả đều có chung một câu hỏi: Đã uống suốt phải sữa giả một thời gian dài, giờ phải làm sao?'”, ông Tân nói.
Theo chuyên gia dinh dưỡng này, sữa giả không cung cấp đủ năng lượng, vitamin, khoáng chất như công bố và còn có thể chứa phụ gia không kiểm soát, gây tiêu chảy, dị ứng và rối loạn tiêu hóa. Dùng lâu dài, người bệnh và trẻ nhỏ có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí não.
Rất khó để xác định sữa thật hay giả bằng mắt thường. Để tự bảo vệ mình, chuyên gia Phan Thái Tân khuyên nên chọn các thương hiệu sữa nổi tiếng, lâu năm trên thị trường; nên mua tại siêu thị, cửa hàng lớn; tránh mua tại tạp hóa, các hội thảo hay truyền miệng. Nếu giá thấp hơn kèm nhiều khuyến mãi nên đặt câu hỏi.
Ngay sau khi biết con uống phải sữa giả, chị Thu Liên giữ lại toàn bộ vỏ hộp làm bằng chứng, hy vọng được bồi thường hay ít nhất được ai đó đứng ra xin lỗi. “Điều tôi thực sự muốn biết là suốt một năm qua, con tôi đã nạp vào người những gì?”, chị nói.
“Tôi từng lục tung các trang mạng, đọc từng dòng đánh giá, so sánh bảng thành phần từng loại sữa”, chị nói. “Cuối cùng chọn phải sữa giả, thành phần chưa đến 70% tiêu chuẩn đăng ký”.
Chiều 15/4, vợ chồng anh Thái đang sửa soạn đưa hai con xuống Hà Nội khám, dù chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra kỳ thi cuối cấp. “Sức khỏe con là trên hết nên phải kiểm tra”, anh Thái nói.
Người đàn ông phân trần gia đình không bị hấp dẫn bởi khuyến mãi hay quà tặng, bởi giá sản phẩm tới nửa triệu đồng. Sau khi phát hiện sữa giả, họ đã nói chuyện với người bán hàng nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Chúng tôi chỉ mong những sản phẩm như vậy bị loại bỏ khỏi thị trường vĩnh viễn để không đứa trẻ nào uống phải nữa”, anh Thái nói.
×