Chuyên gia nói gì về những người trót ‘đu đỉnh’ vàng hơn 100 triệu đồng/lượng?

<!–

–>

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, giá vàng trong nước sẽ không thể cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.

Ngày 26/3/2025, báo An ninh tiền tệ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Chuyên gia nói gì về những người trót ‘đu đỉnh’ vàng hơn 100 triệu đồng/lượng?”. Nội dung như sau:

Tại talkshow chủ đề: “Đầu tư chứng khoán, bất động sản hay vàng?” do Báo Người lao động tổ chức sáng 26/3, các chuyên gia cho biết, vàng đang là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm hiện nay.

Ông Trần Duy Phương, chuyên gia vàng cho rằng, việc giá vàng trong nước tăng hay giảm phụ thuộc phần lớn vào giá vàng thế giới. “Khả năng từ nay đến cuối năm 2025, đầu tư vào vàng vẫn còn hiệu quả vì giá vàng thế giới còn dư địa để tăng và kéo giá vàng trong nước tăng theo”, ông nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải lựa chọn thời điểm tham gia đầu tư vàng để có tỷ suất sinh lời cao. Hiện nay có 3 trường hợp mà nhà đầu tư băn khoăn nhất khi đầu tư vào vàng.

Trường hợp 1 là những người trót “đu đỉnh” hơn 100 triệu đồng/lượng trong tuần trước. Ông Phương nói: “Tôi nghĩ khá rủi ro, nhưng nếu mua để tích lũy không phải vay mượn thì cứ yên tâm mà giữ vì quan điểm của tôi là vàng luôn tăng theo thời gian. Ví dụ năm nay giá vàng thế giới là 3.000 USD/ounce, năm sau vẫn 3.000 USD/ounce thì giá vàng trong nước chắc chắn cao hơn vì còn quy đổi, liên quan đến tỷ giá”.

Trường hợp 2 là những người đang có tiền, băn khoăn có nên đầu tư lúc này hay không. Ông cho rằng chưa nên rót tiền vào vàng lúc này, vì giá vàng thế giới có thể sẽ đảo chiều, nhà đầu tư nên chờ thời điểm thích hợp hơn, từ nay đến tháng 5 để mua với giá tốt hơn.

Trường hợp 3 là những người cân nhắc có nên chốt lời hay không. Ông Phương cho rằng, nếu nhà đầu tư cảm thấy tỷ suất đã đạt kỳ vọng thì nên chốt lời. “Những ai đã mua ở vùng giá 85, 86 và thậm chí 90 triệu và cảm thấy mức lợi nhuận này đã đạt kỳ vọng thì nên bán. Khi đã chốt lời mà giá vàng vẫn tăng hơn nữa thì chúng ta cũng không cần phải buồn vì đã có lời rồi. Giống như chứng khoán hay bất động sản vậy, ví dụ bạn bán nhà xong lãi 2 tỷ, vài tháng sau lên 500 triệu nữa thì cũng không có gì phải tiếc”. ông nói.

Ông Phương nhấn mạnh, nhà đầu tư cần phải tự đặt ra tỷ suất sinh lợi mục tiêu. Thị trường tài chính rất khó đoán và nhiều rủi ro, có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào mà không ai biết, vì vậy nếu đã đạt được mức sinh lời như kỳ vọng thì đừng tiếc nếu giá còn tăng.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, giá vàng trong nước sẽ không cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới do được sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. “Thời gian trước đây, vàng SJC có lúc cao hơn vàng thế giới tới 20 triệu. Nhưng với sự phản ứng kịp thời của cơ quan quản lý thì giá vàng trong nước đã giảm chênh lệch so với giá vàng thế giới. Nếu không có sự kiểm soát này thì vàng SJC hiện tại có thể lên tới 110-115 triệu đồng”, ông nói.

Trong những ngày gần đây, giá vàng trong nước biến động mạnh và liên tục đảo chiều khó đoán. Sáng 26/3, giá vàng trong nước đồng loạt tăng khá mạnh với mức tăng tới 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn hiện cao hơn khá nhiều so với giá vàng SJC.

Cụ thể, giá vàng nhẫn trơn sáng 26/3 phổ biến ở mức 96,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 98,5-99 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Trong khi đó,  vàng SJC phổ biến ở mức 96,6-98,2 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay ở mức 3.016 USD/ounce. Kim loại quý này dao động trong khoảng 3.010-2.030 USD/ounce từ đầu tuần đến nay.

Cùng ngày, báo Thanh Niên đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Xuống tiền mua vàng lúc này rất dễ đu đỉnh tạm thời”. Cụ thể như sau:

Vàng tăng giá 50% trong 15 năm cũng “không có gì ghê gớm”

Chia sẻ tại phiên livestream với chủ đề “Đầu tư chứng khoán, bất động sản hay vàng” ngày 26.3, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, năm 2024, giá vàng thế giới tăng khoảng 27% và 3 tháng đầu năm nay tăng khoảng 18%. Giá vàng trong nước tăng cùng nhịp với giá vàng thế giới, song mức tăng thấp hơn một chút.

Sau khi lập đỉnh, giá vàng đang có nhịp điều chỉnh giảm cần thiết. ẢNH: ĐAN THANH

“Xét về chu kỳ dài, bắt đầu từ 2010, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, giá vàng cũng tăng rất mạnh. Vàng thế giới chốt ở mức đỉnh khoảng hơn 1.900 USD/ounce. Hiện tại, ngày 25.3, giá vàng thế giới là 3.033 USD/ounce. Như vậy, trong khoảng 15 năm, giá vàng tăng khoảng 50%. Không nên coi giá vàng ở mức trên 3.000 USD/ounce là điều gì ghê gớm, đó cũng là mức tăng trưởng tuần tự. Thống kê trong thời gian dài, đầu tư vào vàng cũng không phải siêu lợi nhuận, vẫn thua nhiều kênh khác”.

Ông Hiển ví dụ, nếu đầu tư vào bất động sản trong vòng 15 năm qua thì dù nhà đầu tư “xuống tiền” ở bất kỳ phân khúc nào, ở dạng đầu tư nào, mức tăng giá của bất động sản đều cao hơn mức tăng giá của vàng. 

“Thời gian qua, tôi cho rằng số đông nhà đầu tư vốn đã quen với kênh đầu tư chứng khoán và đầu tư đất thì vẫn bình tĩnh với vàng. Số ít lo sợ đầu tư chứng khoán thua, lĩnh vực đất đai bị ngập bởi nhiều luồng thông tin nên quay về đầu tư vàng”, ông Hiển nói.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương lại cho rằng, hiện nay vàng không còn là kênh mà khi bất động sản và chứng khoán bất ổn, nhà đầu tư mới tìm đến.

“Tình hình thị trường vàng những năm gần đây khác xa thời điểm 2010, có biến chuyển khá rõ. Giữa các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng, nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào vàng với tỷ trọng khoảng 30 – 40%.

Trên thị trường thế giới, lượng vàng được các ngân hàng T.Ư trên mua tích trữ tăng mạnh so với các năm trước. Ngoài ra, các tổ chức, các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF) cũng đang gia tăng tích lũy vàng”, ông Phương nói.

“Xuống tiền dần dần chứ đừng tất tay ngay”

Ở thời điểm giá vàng thế giới đang tròng trành, liên tục sụt giảm từ sau khi lập đỉnh ngày 20.3 vừa qua, nhiều nhà đầu tư trót “đu đỉnh” đang băn khoăn có nên cắt lỗ; nhiều người chưa mua được vàng lại thấp thỏm, khi nào nên “xuống tiền”.

Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ thời điểm “xuống tiền” mua vàng để đạt tỷ suất sinh lời cao. ẢNH: ĐAN THANH

Ông Phương phân tích, sau đợt lập đỉnh vừa qua, giới đầu tư thế giới có tâm lý chốt lời khiến giá quay đầu giảm. Đây là sự điều chỉnh cần thiết trước khi giá vàng đi ngang và tiếp tục tăng lên.

Vị này dự báo, tình hình giá vàng suy giảm sẽ diễn ra trong tháng 4 và tháng 5 tới, đưa giá vàng từ trên 3.000 USD/ounce xuống dưới 2.800 USD/ounce trong tháng 5. Khi đó, giá vàng trong nước có thể sụt giảm về quanh mức 90 triệu đồng/lượng.

Trả lời câu hỏi ngay thời điểm hiện tại, có nên “xuống tiền” mua vàng, ông Phương khẳng định “không nên mua”. Lập luận đưa ra là, đầu tư vàng phải lựa chọn thời điểm để đạt tỷ suất sinh lời cao nhất.

Hiện nay, giá vàng thế giới đang ở mốc gần đỉnh lịch sử và giá vàng trong nước dù trượt khỏi mốc 100 triệu đồng/lượng vẫn ở mức rất cao. “Xuống tiền” mua vàng ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có khả năng sẽ rơi vào cảnh “đu đỉnh tạm thời”, có thể 4 – 5 tháng sau mới “về bờ”. Trong quá trình đó, nhà đầu tư sẽ trải qua tâm lý thấp thỏm, bất an.

“Nếu nhà đầu tư vẫn muốn tranh thủ mua vàng ngay lúc này thì nên chia tổng tiền đầu tư ra từng phần, mua vàng vào từng thời điểm rải rác chứ không nên tất tay ngay”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân (Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam), từ góc độ phân bổ tài sản, bất động sản và chứng khoán luôn được xem là kênh dẫn vốn dài hạn với hiệu suất tốt.

Vàng là công cụ bù trừ sự bất ổn trong ngắn hạn, giống như công cụ bảo hiểm, phòng ngừa trường hợp thị trường tài chính thế giới sụt giảm hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ngờ. Bên cạnh bất động sản, chứng khoán, có thể dành một phần đầu tư vào vàng vì tình hình bất ổn có thể sẽ tiếp diễn trong 1 – 2 năm tới. Đương nhiên, nhà đầu tư không nên “all in” vào bất kỳ kênh đầu tư nào mà cần cân đối tỷ trọng phù hợp.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *