Giá vàng hôm nay 12/5/2025, các chuyên gia dự báo kém lạc quan về triển vọng của kim loại quý trong thời gian tới. Sau khi tăng 2,2 triệu đồng/lượng tuần trước, giá vàng miếng SJC sắp tới khó lường.
Ngày 12/5/2025, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng hôm nay 12/5/2025 dự báo khó tăng, vàng SJC sắp tới ra sao?”. Nội dung như sau:
Sau kỳ nghỉ lễ dài, giá vàng trong nước đã giảm 1,5 triệu đồng/lượng trong phiên đầu tuần (5/5). Giá vàng miếng tại SJC đóng cửa ở mức 117,8-119,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC được niêm yết ở mức 112,5-115 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Sang phiên 6/5, giá vàng miếng tại SJC tăng 2,4 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC và giá vàng nhẫn 9999 tại Doji tăng tới 3 triệu đồng/lượng.
Trong hai phiên 7-8/5, giá vàng trong nước điều chỉnh giảm; riêng vàng SJC “bốc hơi” hơn 2 triệu đồng. Tới phiên cuối tuần (9/5), giá vàng trong nước đảo chiều, tăng trở lại.
Kết phiên 10/5, giá vàng miếng tại SJC đóng cửa ở mức 120-122 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC và giá vàng nhẫn 9999 tại Doji được niêm yết ở mức 114,5-117 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tính từ đầu tuần, giá vàng miếng SJC tăng 2,2 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC tăng 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên sàn Kitco chốt tuần giao dịch ở mức 3.323 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 3.344 USD/ounce.
Loạt dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này được kỳ vọng sẽ mang đến những manh mối rõ ràng hơn về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và định hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đặc biệt, các chỉ số lạm phát (CPI và PPI) và doanh số bán lẻ sẽ là những yếu tố then chốt để đánh giá áp lực giá cả và sức mua của người tiêu dùng. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát hạ nhiệt hoặc tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến phát biểu tại Washington, D.C. cùng thời điểm công bố các chỉ số kinh tế, hứa hẹn mang đến tín hiệu quan trọng về định hướng chính sách tiền tệ..
Adam Button, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive, cho rằng việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt đã làm suy giảm động lực tăng giá của vàng. Ông Button nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Tôi cho rằng không có cuộc gặp gỡ nào mà không có kế hoạch đưa ra điều gì đó, vì vậy cả hai bên đã giảm bớt căng thẳng một chút. Tôi nghĩ bất kỳ tiến triển nào theo hướng đó đều sẽ tiêu cực đối với vàng trong ngắn hạn,” ông nói.
Dự báo giá vàng
Khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News cho thấy các chuyên gia tỏ ra thận trọng trước nhiều yếu tố tác động khiến thị trường vàng khó đoán định trong ngắn hạn. Trong khi đó, các nhà giao dịch bán lẻ vẫn giữ thái độ lạc quan sau đà tăng vững chắc của kim loại quý.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nhận định rằng giá vàng vẫn đang trải qua giai đoạn giao dịch đầy biến động. Tuy nhiên, xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan có thể là một yếu tố hỗ trợ và thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục mua vàng trong tháng trước cũng là một tín hiệu tích cực.
Về dữ liệu kinh tế sắp tới, ông Chandler dự đoán chỉ số CPI của Mỹ có khả năng sẽ ít thay đổi so với tỷ lệ lạm phát cơ bản và lạm phát chung so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng có thể ở mức hỗ trợ đáng chú ý quanh 3.200 USD/ounce và kháng cự nhẹ quanh 3.400 USD/ounce.
Theo Alex Kuptsikevich, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, việc giá vàng giao ngay chạm mức 3.500 USD và vượt nhẹ mức này trong một số hợp đồng tương lai vào ngày 22/4 đã kích hoạt một đợt bán mạnh.
Diễn biến trái chiều trong tuần qua (tăng rồi lại giảm) xảy ra sau một đợt bán tháo mạnh từ đỉnh. Điều này tương tự tháng 4 năm ngoái, cho thấy có thể có yếu tố thời vụ ở đây.
Ông Kuptsikevich lưu ý rằng một năm trước, thị trường đã chứng kiến 3 tháng tích lũy trước khi có một đợt tăng mới. “Chúng tôi đang giả định một kịch bản lạc quan là giá đi ngang, nhưng điều đó vẫn mở ra nhiều khả năng cho một đợt bán tháo quy mô lớn, đẩy giá vàng xuống còn 2.800 USD trước khi kết thúc năm nay”, ông nói.
Cùng ngày, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng miếng leo lên 122 triệu đồng/lượng”. Cụ thể như sau:
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 5/5 đến 10/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 120-122 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,2 triệu đồng mỗi chiều so với đầu tuần trước. Chênh lệch giữa hai chiều mua và bán giữ ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 114,5-117 triệu đồng/lượng (mua – bán), với mức chênh lệch 2,5 triệu đồng/lượng. So với vàng miếng, vàng nhẫn có biên độ dao động hẹp hơn.
Trên thị trường thế giới, giá vàng rạng sáng nay (12/5, theo giờ Việt Nam) giảm sâu về mức 3.280 USD/ounce, giảm 60 USD so với trước đó. Quy đổi theo tỷ giá, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới tương đương khoảng 103,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước tới 18,7 triệu đồng/lượng.

Theo khảo sát hàng tuần của Kitco News, thị trường vàng đang trong trạng thái phân hóa mạnh về xu hướng giá vàng. Trong số 15 chuyên gia Phố Wall tham gia khảo sát, tỷ lệ dự báo giá tăng, giảm và đi ngang đều bằng nhau, mỗi xu hướng chiếm 33%.
Sự giằng co trong dự báo phản ánh tâm lý thận trọng của giới phân tích sau những biến động mạnh gần đây. Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của các chuyên gia, phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ thái độ lạc quan.
Kết quả khảo sát trực tuyến với 267 nhà đầu tư cho thấy, 54% (tương đương 144 người) kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, trong khi 29% (77 người) cho rằng giá sẽ giảm, và 17% (46 người) dự đoán thị trường đi ngang.
Chiến lược gia thị trường James Stanley tại Forex nhận định vàng vẫn còn dư địa tăng giá, bất chấp ngưỡng kháng cự quan trọng tại 3.500 USD/ounce. Phe mua vẫn kiểm soát được các mốc hỗ trợ chủ chốt như 3.200 và 3.300 USD trong những tuần qua, ông đánh giá.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia phân tích cấp cao Alex Kuptsikevich từ FxPro lại cho rằng, giá vàng có khả năng đi xuống. Ông lưu ý diễn biến gần đây không thực sự thuận lợi cho kim loại quý, đặc biệt sau cú bật ngắn vượt ngưỡng 3.500 USD vào ngày 22/4 – yếu tố kích hoạt làn sóng bán tháo.
“Xu hướng đảo chiều trong tuần qua, tăng mạnh rồi lại giảm nhanh, tương tự mô hình từng xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái. Điều này cho thấy yếu tố mùa vụ có thể đang lặp lại”, Kuptsikevich nhận định.
Tuần này, thị trường vàng chờ đợi loạt dữ liệu quan trọng của kinh tế Mỹ, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dự kiến có bài phát biểu ngày 15/5, có thể hé lộ định hướng chính sách lãi suất tiếp theo.
Tỷ giá trung tâm tăng
Kết thúc phiên giao dịch tuần qua (10/5), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.951 đồng/USD, tăng thêm 24 đồng so với hôm qua. Như vậy, với biên độ giao dịch 5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần được áp dụng là 26.199 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.703 đồng/USD.
Ngân hàng lớn niêm yết giá USD tại 25.750-26.140 đồng (mua – bán), tăng 20 đồng ở cả chiều mua và bán. Ngân hàng cổ phần niêm yết giá USD tại 25.780-26.170 đồng (mua – bán).
Trên thị trường “chợ đen”, đồng USD được giao dịch ở mức 26.375-26.475 đồng (mua – bán), giảm 35 đồng mỗi chiều.