PGS.TS Bùi Hiền – người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ gây tranh cãi gần chục năm trước, qua đời chiều 11/5 tại nhà riêng. Ông hưởng thọ 91 tuổi.
Ngày 12/5/2025, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “PGS.TS Bùi Hiền – người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ – qua đời”. Nội dung như sau:
PGS.TS Bùi Hiền qua đời lúc 15h15 phút ngày 11/5 tại nhà riêng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông hưởng thọ 91 tuổi. PGS.TS Bùi Hiền sinh năm 1935 ở xã Vinh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Ông là giảng viên tiếng Nga, nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Nga. Ông từng là Phó Hiệu trưởng của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Ngoại ngữ , Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm 1953, ông được cử sang Trung Quốc để học tiếng Nga. Sau 2 năm học, năm 1955, ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Khoa tiếng Nga ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trở về nước, ông được giao phụ trách ban tiếng Nga của trường Ngoại ngữ mới thành lập ở Hà Nội. Năm 1967, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được thành lập, Bùi Hiền phụ trách khoa Tiếng Nga của trường này.
Từ năm 1969 đến năm 1972, ông làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ ngành tiếng Nga ở Liên Xô. Sau khi bảo vệ thành công luận án, năm 1973, ông trở về nước tiếp tục công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1974 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993.

Năm 2017, ông được biết đến với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ gây tranh cãi . Theo đó, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ là nghiên cứu cá nhân mà PGS.TS Bùi Hiền theo đuổi từ lâu. Đề xuất này lần đầu được công bố trên báo Giáo dục và Thời đại số 72 ngày 8/9/1995.
Theo PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến hướng đến mục đích: thống nhất và đơn giản hóa một phần về mặt chữ viết cho các văn bản và giúp người nước ngoài, người dân tộc thiểu số dễ tiếp cận với chữ viết tiếng Việt hơn.
Cuối năm 2017, đề xuất của ông được đưa ra truyền thông và đã có bàn cãi sôi nổi do những khác lạ trong lối viết cải tiến mà ông đưa ra. Bàn cãi lắng xuống khi các chuyên gia khẳng định nếu có cải tiến loại chữ viết mà hàng triệu người trong và ngoài nước đang sử dụng, không thể đơn giản là do một cá nhân đề xuất.
Lễ viếng PGS.TS Bùi Hiền sẽ được tổ chức vào 13h ngày 12/5, lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 6h30 ngày 13/5. Ông sẽ được an táng tại quê nhà Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ.
Cùng ngày, báo Dân Trí đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “PGS.TS Bùi Hiền, cha đẻ bộ đề xuất cải tiến ‘tiếq Việt’, qua đời”. Cụ thể như sau:
PGS.TS Bùi Hiền mất ngày 11/5 tại ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hưởng thọ 90 tuổi.
Lễ viếng sẽ được tổ chức vào 13h ngày 12/5, an táng tại Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ.
PGS.TS Bùi Hiền sinh năm 1935 tại Hạ Hòa, Phú Thọ. Ông là giảng viên tiếng Nga, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (nay là ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Vốn mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ông đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và ý chí vươn lên để trở thành một nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết.

Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách đọc thêm tiếng Nga cho trường phổ thông, 4 bộ từ điển các loại, trong đó có bộ “Từ điển giáo khoa Nga – Việt” dày 1.800 trang được gắn hai Huy chương quốc tế là “Bussiness initiative directions” và “International gold star for quality”.
Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nay, PGS Bùi Hiền vẫn không ngừng nghiên cứu và sáng tạo để cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiều cuốn sách có ý nghĩa.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng II; Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga; Huy chương “Cán bộ ưu tú ngành xuất bản Liên Xô”.
Năm 2017, ông gây tranh cãi mạnh mẽ trên mạng xã hội khi bất ngờ công bố đề xuất cải tiến tiếng Việt. Chẳng hạn, “luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk”, “nhà nước” là “n’à nướk”, “ngôn ngữ” là “qôn qữ”…
Cách viết Tiếng Việt cải tiến mà PGS.TS. Bùi Hiển đưa ra, gây tranh cãi lớn trong dư luận.
Theo ông Bùi Hiền, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…

Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
Từ đó, ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Ngoài các ý kiến phản đối, cũng có ý kiến cho rằng, ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền không hẳn bất hợp lý, ông đang hướng đến một nguyên tắc thống nhất về ngôn ngữ Việt.
Ngày 29/12/2017, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền.
Ngày 12/1/2018, ông tiếp tục công bố 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều bằng ngôn ngữ “tiếq Việt”.
Cuối năm 2018, ông công bố dừng hoàn toàn, không nghiên cứu thêm bất cứ điều gì về bộ cải tiến tiếng Việt bởi bộ cải tiến đã hoàn thành rất đầy đủ, rõ ràng, cộng với sức khỏe không cho phép.