Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025

Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025 theo Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 22/04/2025).

1. Bổ sung nguyên tắc xác định chế độ làm việc

Theo Điều 3 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian làm việc của giáo viên được tính theo năm học và quy đổi thành tiết dạy, bao gồm số tiết dạy trong một năm học và số tiết trung bình trong một tuần. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, thời gian làm việc là 40 giờ/tuần, bao gồm cả số tiết giảng dạy theo quy định.

Việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên phải công khai, công bằng, tuân thủ định mức tiết dạy, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật. Nếu giáo viên phải dạy vượt định mức, tổng số tiết dạy vượt trong một tuần không được quá 50% định mức tiết dạy trung bình và tổng số tiết dạy vượt trong một năm học không được vượt quá số giờ làm thêm theo quy định.

Mỗi giáo viên không được kiêm nhiệm quá hai nhiệm vụ trong danh mục quy định. Nếu đã nhận phụ cấp hoặc thù lao cho nhiệm vụ kiêm nhiệm, giáo viên không được giảm định mức tiết dạy hoặc quy đổi ra tiết dạy. Đối với giáo viên giảng dạy ở trường có nhiều cấp học, nếu được bổ nhiệm chức danh ở cấp học nào thì thực hiện định mức tiết dạy theo cấp học đó. Nếu dạy ở cấp học khác, mỗi tiết dạy ở cấp học khác được tính bằng một tiết định mức.

2. Sửa đổi thời gian thực dạy của giáo viên THCS, THPT

Theo Điều 5 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, số tuần giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông là 37 tuần, trong đó có 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng. Trước đây, giáo viên THCS và THPT làm việc 37 tuần nhưng không có sự tách biệt rõ ràng giữa thời gian thực dạy và thời gian dự phòng.

Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025
Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học 2025

3. Sửa đổi định mức tiết dạy của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội

Theo khoản 3 Điều 7, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội tại trường tiểu học, THCS và phổ thông có nhiều cấp học được xác định số tiết dạy theo tổng số lớp học trong trường. Ở trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên (vùng 2, vùng 3) hoặc 19 lớp trở lên (vùng 1), định mức là 2 tiết/tuần, trong khi các trường còn lại là 8 tiết/tuần. Với THCS, mức này là 2 tiết/tuần đối với trường có từ 28 lớp trở lên ở vùng 2, vùng 3 hoặc 19 lớp trở lên ở vùng 1, còn các trường khác là 6 tiết/tuần. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, nếu tổng số lớp của cấp tiểu học và THCS đạt ngưỡng trên thì định mức là 2 tiết/tuần, còn các trường khác là 6 tiết/tuần.

Trước đây, việc phân hạng các trường theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT để xác định định mức tiết dạy của giáo viên Tổng phụ trách Đội, nhưng nay quy định mới giúp đảm bảo sự công bằng hơn.

4. Bổ sung quy định về thời gian nghỉ thai sản

Theo khoản 2 Điều 6, nếu thời gian nghỉ hè trùng với thời gian nghỉ thai sản, giáo viên nữ được nghỉ thêm để đảm bảo đủ số ngày nghỉ theo quy định. Cụ thể, thời gian nghỉ bao gồm thời gian nghỉ thai sản theo quy định, thời gian nghỉ hè ngoài thời gian nghỉ thai sản. Nếu thời gian nghỉ hè ít hơn số ngày nghỉ hằng năm, giáo viên được nghỉ thêm số ngày còn thiếu để đảm bảo tổng số ngày nghỉ theo quy định.

5. Bổ sung thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

Theo khoản 4 Điều 6, thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng bao gồm nghỉ hè, nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác. Lịch nghỉ hè được bố trí linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của nhà trường diễn ra bình thường. Hiệu trưởng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về lịch nghỉ hè của mình.

6. Bổ sung chế độ giảm định mức tiết dạy với giáo viên kiêm nhiệm

Theo Điều 11, giáo viên kiêm nhiệm một số công tác nhất định sẽ được giảm tiết dạy. Cụ thể, giáo viên kiêm nhiệm công tác công nghệ thông tin (quản lý phòng tin học), văn thư, thư viện (quản lý thư viện) hoặc hỗ trợ giáo dục người khuyết tật đều được giảm 3 tiết/tuần.

7. Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy

Theo Điều 13, một số hoạt động chuyên môn sẽ được quy đổi ra tiết dạy để đảm bảo sự công bằng trong phân công công việc. Một tiết dạy trực tiếp sẽ tương đương một tiết định mức trong các trường hợp như dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, dạy ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp. Nếu giáo viên tham gia dạy phụ đạo hoặc dạy thêm cho học sinh chưa đạt yêu cầu cuối kỳ, thì một tiết dạy trực tiếp có thể quy đổi tối đa thành 1,5 tiết định mức. Đối với các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, hướng dẫn thi khởi nghiệp, một tiết dạy có thể quy đổi tối đa thành 2 tiết định mức. Ngoài ra, khi giáo viên làm giám khảo trong các cuộc thi giáo viên cấp trường, mỗi tiết tham gia chấm thi sẽ được tính bằng một tiết định mức.

Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có nhiều điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng trong phân công nhiệm vụ, hỗ trợ giáo viên kiêm nhiệm, đảm bảo quyền lợi của giáo viên nữ nghỉ thai sản và tối ưu hóa chế độ làm việc. Những thay đổi này hướng đến việc nâng cao hiệu quả giảng dạy và bảo đảm quyền lợi cho giáo viên trong hệ thống giáo dục phổ thông và dự bị đại học.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *