Ngày 10/4, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) – thành viên sáng lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP.HCM (HCMC C4IR) – phối hợp cùng HCMC C4IR tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” lần thứ 2 – năm 2025 (GSETS 2025).
Đây là một sự kiện khoa học công nghệ có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội trao đổi, hợp tác nghiên cứu về vật liệu và công nghệ mới, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hội nghị tập trung vào ba nhóm chủ đề chính: vật liệu tiên tiến và công nghệ sản xuất xanh, các giải pháp công nghệ cho phát triển bền vững, và khoa học dữ liệu – trí tuệ nhân tạo cho phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP.HCM. (Ảnh: Ngô Tùng)
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc HCMC C4IR cho biết, Trung tâm sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối chính sách, công nghệ và năng lực triển khai, thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, thông minh tại TP.HCM và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ tháng 9 năm ngoái, đơn vị đã chính thức ra mắt tại Việt Nam, trở thành một trong những thành viên tích cực của mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 24 trung tâm tương tự và Việt Nam là một trong những điểm kết nối quan trọng, sau Malaysia.
Theo định hướng hoạt động, HCMC C4IR chú trọng thúc đẩy hợp tác với các trường đại học, đặc biệt là các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Hai bên đã cùng nhau xây dựng kế hoạch phối hợp, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất thông minh, bán dẫn, và các công nghệ ứng dụng phục vụ phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, mục tiêu là tiếp tục kết nối nguồn lực quốc tế, thiết lập các hợp tác cụ thể và đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để “phổ cập hóa AI” cho người dân.
“Làm sao để mọi người đều có thể biết và áp dụng AI để phục vụ cho cuộc sống, công việc của mình… Chúng tôi không thể đơn lẻ được, mà phải có sự phối hợp với tất cả các bên liên quan. Dự kiến thời gian tới sẽ cụ thể hoá kế hoạch và có đề xuất trình lên UBND TP.HCM xem xét thông qua và trình HĐND TP ban hành nghị quyết riêng trong việc phổ cập hoá AI”, ông Huy nói.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Ngô Tùng)
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu.
TP.HCM đánh giá cao chủ đề của hội nghị, phù hợp xu thế toàn cầu và sát với định hướng chiến lược của Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Với định hướng xây dựng một đô thị hiện đại và bền vững, TP.HCM đã thể hiện cam kết mạnh mẽ thông qua việc hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) để thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP.HCM – thành viên thứ 2 tại Đông Nam Á trong mạng lưới toàn cầu gồm 21 C4IR của WEF.
Trong năm 2025, Trung tâm sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ chiến lược quan trọng, bao gồm: Hợp tác với WEF để cung cấp các góc nhìn toàn cầu, đề xuất chính sách cho TP.HCM và cả nước, triển khai Nghị quyết 57; vận hành mô hình thử nghiệm (sandbox) về công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo; phát triển các đề án trọng điểm về chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, tài chính xanh, công nghiệp bền vững; tham mưu chính sách cho Trung tâm Tài chính Quốc tế và chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030.
Trong khuôn khổ GSETS 2025, HUTECH đã tổ chức lễ ra mắt Tạp chí khoa học quốc tế Materials and Emerging Technology for Sustainability (METS), quy tụ gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Ấn Độ, Trung Quốc…
METS là diễn đàn học thuật nhằm chia sẻ những thành tựu nghiên cứu và sáng tạo của giới khoa học Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững.