TikToker Hải Sen đã bán ra thị trường 100.000 hộp Siro ăn ngon hải bé, với giá niêm yết 160 nghìn đồng.
Ngày 2/7/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Siro ăn ngon giả có phí sản xuất 40.000, Hải Sen đem bán 160.000: Thu lời khủng”. Nội dung như sau:
Sau nửa tháng TikToker Lê Văn Hải (chủ loạt kênh Gia Đình Hải Sen) bị khởi tố và bắt tạm giam và tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm” những thông tin liên quan đến các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng của gia đình này vẫn đang nhận về nhiều sự quan tâm từ công chúng.

Mới đây, trên sóng chương trình “Chào buổi sáng” của VTV, mỗi hộp Siro ăn ngon Hải bé được sản xuất với chi phí 40 nghìn đồng/sản phẩm nhưng bán ra với rất cao. Tại Cơ quan điều tra, Lê Văn Hải cũng khai nhận 1 tháng thu nhập từ 300-400 triệu đồng từ buôn bán hàng giả, doanh thu thực tế lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng báo cáo thuế thường xuyên thua lỗ…
Thông tin này càng khiến người tiêu dùng thêm phần bức xúc, phẫn nộ. Lúc này, một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặt ra, đó là: Gia đình Hải Sen đã thu lời bao nhiêu khi kinh doanh lô hàng giả này?
Theo Cơ quan chức năng, Siro ăn ngon Hải Bé bán ra thị trường 100.000 hộp từ năm 2024 đến nay, gia mà gia đình TikToker này nhập từ Công ty cổ phần BIGFA (đơn vị sản xuất Siro ăn ngon Hải bé là 40 nghìn đồng/sản phẩm.
Giá bán các sản phẩm trên giỏ hàng.
Trên giỏ hàng TikTok Shop của gia đình Hải Sen, sản phẩm này có giá niêm yết là 160.000 đồng (giá khuyến mãi rơi vào khoảng 140.060 đồng). Trên website haibe.vn sản phẩm Siro ăn ngon Hải Bé có giá niêm yết là 200.000 đồng (giá khuyến mãi là 160.000 đồng). Trên các clip quảng cáo của mình, Lê Văn Hải luôn nói rõ ràng giá bán 1 hộp Siro 30 gói của mình là 160.000 đồng, giá này sẽ thay đổi tùy vào việc bán trên các nền tảng khác nhau, chương trình khuyến mãi.
Vậy, nếu tính theo giá niêm yết ở mức 160.000-200.000 đồng/sản phẩm, ước tính chủ kênh TikTok “Gia đình Hải Sen” có thể đã thu về khoảng 16-20 tỷ đồng từ sản phẩm “siro ăn ngon Hải Bé”. Trong khi đó, giá nhập là 40 nghìn đồng/sản phẩm, tức là gấp 4-5 lần thì gia đình TikToker này đã thu lời 12-16 tỷ đồng, chưa trừ các chi phí vận hành, quảng cáo khác,…
Một con số khủng.
Theo Cơ quan chức năng, kết quẩ quả giám định đối với các chỉ tiêu chất lượng của Siro ăn ngon Hải Bé, các chất gồm Vitamin A, Calci, Vitamin C (chất chính tạo nên công dụng của sản phẩm) chỉ đạt dưới 70% so với công bố. Theo quy định tại Nghị định 98/2020 của Chính phủ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Siro ăn ngon Hải Bé” là hàng giả. Ấy vậy mà trước đó Hải Sen cùng các thành viên trong gia đình của mình liên tục quảng cáo với những lời có cánh, kèm theo đó Tiktoker này còn chia sẻ thêm hình ảnh các con của mình đang dùng sản phẩm để lấy lòng tin của khách hàng.
Trong nửa tháng vừa qua nhiều gia đình mua sử dụng các sản phẩm của gia đình TikToker này đều đã vứt bỏ, dừng sử dụng và đi khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Ngoài Siro ăn ngon Hải Bé, khoảng 700.000 sản phẩm được bán ra khác gồm: Xịt khử mùi hôi nách, hôi chân Hải Sen, Sữa rửa mặt YLE, Kem tẩy lông Hải Sen, Tẩy da chết Hải Sen cũng thu về số lợi nhuận không nhỏ. Hiện tại, chưa có kết luận chính thức của Cơ quan chức năng về các sản phẩm này.
Về phía Gia đình Hải Sen, trước khi Lê Văn Hải bị khởi tố và bắt tạm giam thì hai kênh TikTok 2,6 triệu follower, Hải Sen 1,2 triệu follower đã gỡ bỏ toàn bộ giỏ hàng, xóa toàn bộ video. Website bán hàng chính thức của công ty TNHH Hải Bé cũng không còn tồn tại. Riêng trên sàn thương mại điện tử, các hàng hóa đều báo hết, riêng Siro ăn ngon Hải Bé đã bị gỡ ra khỏi giỏ hàng.
Cùng ngày, báo điện tử VTV đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Triệt phá hệ sinh thái hàng giả cho trẻ em: Hơn 100 tỷ/năm từ sản phẩm không đạt chuẩn”. Cụ thể như sau:
Một hệ sinh thái sản xuất hàng giả là thực phẩm dành cho trẻ em vừa bị Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an điều tra, triệt phá.
Một trong những đối tượng đã bị khởi tố là Lê Văn Hải – một tiktoker nổi tiếng với trang “Gia đình Hải Sen”, bị cáo buộc về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Lợi dụng sức ảnh hưởng từ mạng xã hội và niềm tin của người dùng, các đối tượng đã cấu kết với nhau để trục lợi, thu lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Căn nhà nằm ở vùng quê thuần nông tại tỉnh Ninh Bình được lấy làm trụ sở của Công ty TNHH Hải Bé. Tại đây không hề có hoạt động sản xuất thực phẩm, mà chỉ là nơi đối tượng quay các clip quảng cáo sản phẩm siro ăn ngon với sự tham gia của các thành viên trong gia đình.
Sản phẩm được giới thiệu là bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp trẻ ăn ngon và hấp thu tốt hơn. Từ một thanh niên ở vùng quê được yêu thích bởi những nội dung chia sẻ yêu thương giản dị, Lê Văn Hải bắt đầu kinh doanh trên mạng xã hội. Nhiều sản phẩm khác cũng được quảng bá và kiểm định, nhưng đều do cùng một đơn vị sản xuất.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Ninh Bình, các sản phẩm này được sản xuất tại một công ty ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình – một mắt xích trong chuỗi hệ sinh thái sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng, sữa cho trẻ em với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, phân phối rộng khắp tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, sản phẩm siro ăn ngon Hải Bé đã được đơn vị sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, kèm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp. Hồ sơ kiểm nghiệm với các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế qua ba lần kiểm định, các mẫu sản phẩm đều không đạt tiêu chuẩn, các chỉ số hoạt chất đều dưới 70%, bị xác định là hàng giả.
Lời khai của các đối tượng cho thấy, mỗi tháng riêng Lê Văn Hải thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng từ việc bán sản phẩm giả. Một gói siro ăn ngon có chi phí sản xuất khoảng 40.000 đồng nhưng được bán ra với giá gấp đôi.
Hai đối tượng liên quan trong vụ án chỉ học hết cấp ba. Việc kiếm tiền dễ dàng và giàu lên nhanh chóng đã khiến họ ngày càng lún sâu.
Đối tượng Trần Đại Phúc – Công ty TNHH Hải Bé – khai nhận: “Cứ nghĩ nhà máy lớn thì sản phẩm phải đảm bảo, không nghĩ như vậy, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.”
Nhóm đối tượng cho rằng mình thiếu kiến thức. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, các dấu hiệu trong vụ án cho thấy còn có hành vi trốn thuế. Dù doanh thu thực tế hơn 100 tỷ đồng mỗi năm nhưng doanh nghiệp thường xuyên báo cáo lỗ để trốn nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Siro “ăn ngon”, nhưng nay lại mang đến nỗi lo lớn cho nhiều phụ huynh – những người từng tin tưởng mua sản phẩm này cho con em mình sử dụng.