Những năm đầu thập niên 90, khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, gia đình tôi cũng không nằm ngoài vòng xoáy của những lo toan thường nhật. Với đồng lương ít ỏi, bố mẹ chật vật lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình 4 người. Nhưng điều kỳ lạ là trong ký ức non nớt của mình, tôi lại không hề cảm thấy sự thiếu thốn, nghèo khó. Ngược lại, tôi còn thấy mình đủ đầy vô cùng nhờ những bữa cơm của mẹ.

Món “đặc sản” quen thuộc nhất trên bàn ăn nhà tôi có lẽ là trứng, mẹ chế biến đủ kiểu để bữa sau không lặp bữa trước.
Tôi vẫn nhớ có những tuần, bọn tôi phấn khích vì được ăn bánh khoai, chè sắn thay cơm. Lúc đó trẻ con, chẳng đứa nào thích ăn cơm, mãi sau này tôi mới ngờ ngợ nhận ra đó là những ngày nhà hết gạo, mẹ chưa có tiền mua.
Thái độ sống quan trọng hơn số tiền trong tay
Lớn lên, khi đã tự lập và có cuộc sống riêng, tôi mới thực sự thấm thía những bài học chi tiêu cũng như thái độ với đồng tiền, mà mẹ đã âm thầm dạy dỗ tôi qua những bữa cơm đạm bạc năm xưa.

Cảm giác đủ đầy thực ra không nằm ở những thứ xa xỉ, mà ở thái độ của chúng ta với những gì mình đang có. Một cốc nước, có người nhìn vào bảo nó đầy 1 nửa, cũng có người lại chê vơi 1 nửa. Mẹ không bao giờ than vãn về sự thiếu thốn. Thay vào đó, bà luôn tìm cách tận dụng tối đa những nguyên liệu sẵn có, biến những thứ bình thường trở nên đặc biệt.
Với tôi, mẹ là một “nhà quản lý tài chính” tài ba nhờ lẽ đó. Với một khoản ngân sách eo hẹp, bà vẫn có thể đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của gia đình. Quản lý tài chính hiệu quả không chỉ là tiết kiệm mà còn là sự sáng tạo trong việc phân bổ nguồn lực để đạt được mục tiêu.
Cuối cùng, điều quan trọng không kém chính là phải biết được điều gì đáng để ưu tiên. Với mẹ tôi, đó là việc cố gắng không để chúng tôi cảm thấy bị thiếu thốn, dù thực tế, khó khăn chồng chất.
Tuổi thơ của tôi, dù không có những tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng lại “giàu có” vô cùng nhờ tình yêu thương và sự đảm đang của mẹ. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhìn vào mâm cơm gia đình, tôi lại nhớ về căn bếp nhỏ năm xưa và thầm cảm ơn mẹ, người đã dạy tôi rằng sự “giàu có” thực sự không nằm ở số tiền mình có, mà ở thái độ trân trọng những gì mình đang có.
