Truyện ngắn: Cậu bé yakult

Hy vọng ở một nơi ở mới, hai mẹ con lại vui vẻ đèo nhau trên con xe wave trắng, nhanh nhẹn bán hàng, nụ cười trong veo, ấm áp…

Truyện ngắn: Cậu bé yakult
Ảnh minh họa


<!– Composite End –>

Nó là một thằng bé nhỏ xíu, gầy còm, trạc chừng năm tuổi. Ngày nào tôi cũng thấy nó ngồi sau xe người mẹ, đeo một chiếc ví nhỏ hình vuông, màu đỏ, in chữ yakult màu trắng bên ngoài, áp sát vào hông. Tay nó ôm chặt người mẹ, như thể sợ rơi xuống đường bất cứ lúc nào.

Mẹ nó đi chiếc xe máy wave màu trắng, phía trước chất một chiếc thùng yakult cũng màu đỏ, to ú ụ, dường như muốn chiếm hết không gian phía trước của chiếc xe. Hai mẹ con sẽ đậu xe ngay trước một trường học, thằng nhóc kéo chiếc ghế xếp ra, ngồi ngay ngắn bên thùng sữa của mẹ, chờ đợi tiếng trống trường.

Thường hai mẹ con sẽ đi sớm, để khi phụ huynh chở con tới trường, họ tiện đường mua một vài lốc sữa cho mấy đứa nhỏ. Sau đó, hai mẹ con lại chở nhau đi vòng vòng qua chợ, đứng nép ở một hàng rau để bán cho những người đi chợ sáng. Khi đồng hồ điểm giờ học sinh tan ca, hai mẹ con lại đèo nhau qua lại trường học để tiếp tục bán.

Vòng quẩn quanh như thế đã giúp cho mẹ con thằng bé có tiền rau cháo hằng ngày. Hôm đó là một ngày nắng chói chang, mẹ con thằng bé vẫn đèo nhau đi bán sữa, khi nhác thấy bóng hai mẹ con đầu cổng trường, tôi tấp xe vào, lân la đến gần hỏi chuyện:

– Ê nhóc, sao thấy đèo mẹ đi bán hoài vậy, con không đi học à?

Thằng nhóc đang lúi húi móc mớ tiền lẻ ra thối cho khách, nhìn tôi đầy ngạc nhiên. Nó trợn tròn mắt, rồi bối rối như vừa bị ai bắt trộm, vội vàng chạy đến bên mẹ, chỉ tay về phía tôi. Giọng nó bớt lanh lảnh lại. Dường như nhắc đến việc học là nó co rúm người lại, sợ sệt. Mẹ nó nhoẻn miệng cười thân thiện:

– Chú mua sữa hả, mua giúp mẹ con tôi vài lốc đi. Thằng bé nó nhanh nhẹn thế thôi chứ đụng tới là nó nép à. Nó theo mẹ, đủ tuổi mới vào lớp 1. Bây giờ tui đi bán qua ngày, cứ sáng sớm đi, chiều tối đợi tụi nhỏ tan trường, bán xong mới về, tiền bạc được nhiêu đâu, cho nó đi học nữa tốn kém lắm chú ơi.

– Rồi ba nó đâu? Sao hai mẹ con lủi thủi với nhau, bữa giờ gặp hai mẹ con ngoài đường hoài nè, thấy tò mò mới dừng lại hỏi chuyện á chớ!

– Ba nó bỏ nhà đi mấy năm nay rồi, theo bồ theo bịch gì đó em đâu có biết. Thấy bảo có người mới rồi, nên không ở với mẹ con em nữa.

Mẹ thằng bé vừa nói, vừa lộ ánh mắt buồn rầu dõi nhìn về phía xa xăm. Tôi móc túi, lấy tiền mua cho hai mẹ con mấy lốc yakult. Hai mẹ con rối rít cảm ơn, dường như trong một ngày, hai mẹ con phải chạy vòng vòng để bán hết số sữa công ty giao cho, nếu không lại bị trừ tiền công ngày đó.

Nhìn thằng bé đen đúa vì phơi nắng nhiều, bất giác tôi thấy thương nó vô hạn. Dự định tìm hiểu thêm gia cảnh của hai mẹ con, rồi xin cho nó vào lớp học tình thương gần nhà cho mẹ nó đi bán dễ hơn.

***

Tôi đã không gặp lại hai mẹ con cậu bé yakult từ hôm có dự tính giúp đỡ mẹ con nó. Hình như đoán biết được tôi có ý định gì đó nên hôm sau, trên những cung đường quen thuộc, tôi đã không thấy bóng dáng họ đâu nữa. Hay cũng là một dạng lừa đảo, khi chuẩn bị phanh phui, nghe mùi bắt bớ thì trốn biệt qua địa bàn khác.

Tôi vẩn vơ nghĩ nhiều chuyện xảy đến trong đầu, có khi tôi cũng nghĩ về hoàn cảnh đáng thương của hai mẹ con cậu bé, biết đâu từ hôm ấy, lại bị dính mưa, cảm cúm, bệnh đau hay có sự vụ gì xảy ra trong nhà nên hai mẹ con tạm ngưng đi bán.

Cũng mới gặp nhau vài lần, chuyện trò đơn sơ, tôi làm sao có thể hiểu được hoàn cảnh chính xác của họ. Ý nghĩ về hai mẹ con cứ vất vưởng trong đầu tôi mấy hôm liền. Đồng nghiệp thấy tôi không tập trung lắm, liền vỗ vai:

– Ê, bị vợ bắt thóp chuyện gì à, qua nay thấy hơi ngẩn ngơ nhé, tập trung cho công việc đi chứ, sắp tới có nhiều đổi thay, không lo hoàn thiện các hồ sơ liên quan đi, tâm trí ở đâu thế?

– À không, suy nghĩ việc riêng một chút thôi – tôi chống chế với đồng nghiệp, tránh ánh nhìn sắc như dao của nó xoáy vào tâm can.

***

Bẵng đi hai tuần, bất chợt hôm đó, tôi lại thấy cậu bé yakult đứng ngay cổng trường con tôi học. Đưa cháu đến lớp, tôi vội vàng quay xe ra hỏi thăm. Lần này chỉ một mình cậu bé đứng bơ vơ trước cổng trường, tay giữ chặt chiếc ví vuông ngày nào, miệng không ngớt mời chào cô chú mua sữa. Tôi mon men đến gần:

– Ê nhóc, nay mẹ đâu mà bán sữa một mình vậy?

– Mẹ con ở kia kìa chú!

Theo cánh tay thằng bé chỉ, tôi thấy mẹ nó đang ngồi rũ rượi bên chiếc ghế quán cà phê, thấy chị có vẻ mệt mỏi lắm. Tôi ngẩn ngơ:

– Ủa, mẹ bệnh hả nhóc? Sao bệnh còn đi bán, rồi mấy nay nghỉ bán là do bệnh hả?

Thằng nhóc nhìn tôi, lại cái điệu bẽn lẽn ngày nào, nó mới nhanh nhảu với khách hàng ngoài kia mà khi nhìn tôi, sự ngượng ngập, cảm xúc dâng đầy trong mắt nó. Một đứa trẻ mới hơn năm tuổi bon chen giữa cuộc sống nghiệt ngã. Nó thú nhận:

– Mẹ con bệnh lâu rồi chú ơi, nhưng sợ con bán không được, nên mới ra chỗ đó ngồi ké. Mẹ nhìn qua đây xem con bán như thế nào, khi nào con bán được, biết tính tiền cho khách, thối trả lại đủ đầy cho người ta, mẹ mới yên tâm.

Mấy hôm rồi, mẹ đi bệnh viện, con cũng ở trong đó. Hai mẹ con ăn cơm từ thiện, với lại ở trong đó, mẹ dạy con cách bán hàng nè chú.

Tôi thấy tim mình khẽ cựa quậy, rung lên một nhịp dài, thương cảm cho số phận hai mẹ con thằng bé. Rồi mai mốt nó tới tuổi đi học lớp 1, cũng chẳng biết nó có cơ hội để tung tăng với bạn bè cùng trang lứa hay không.

Tôi mua cho nó mấy lốc sữa, dúi vào tay nó mấy trăm nghìn, dặn nó mua đồ tẩm bổ cho mẹ. Rồi chỉ tay cho nó nhìn về hướng căn nhà bên kia đường, tôi bảo lúc nào cần kíp cứ chạy qua đó gọi chú, nhà chú ở chỗ đó.

Thằng bé ngạc nhiên nhìn tôi, nó khăng khăng không nhận tiền vì sợ mẹ la. Ánh mắt nó nhìn về phía mẹ đầy nghi ngại. Nhưng chưa để người mẹ kịp phản ứng, tôi đã vít ga rồ xe chạy đi trong sự ngạc nhiên của hai mẹ con. Thôi kệ, chắc tới chiều, hai mẹ con cũng có chút gì đó ngon ngon vào bụng, nghĩ thế thôi lòng tôi thấy ấm áp hơn.

***

Tôi quen dần với hai mẹ con yakult, mỗi khi đi từ cơ quan về, chạy dọc đoạn đường ra chợ hay quẹo quẹo đường mấy trường học, kiểu gì tôi cũng bắt gặp được hai mẹ con. Lúc nào thấy hai cái bóng lũn cũn đèo nhau lỉnh kỉnh, tôi lại hô to:

– yakult!

Thằng nhóc quay lại, nhìn tôi và nhoẻn miệng cười tươi rói.

Tủ lạnh nhà đầy ắp sữa, chưa hết lốc này tôi đã mua thêm lốc khác, dặn bé con mang sang chia bớt cho hàng xóm. Tôi thường làm thế để giúp mẹ con yakult bán hết trong ngày, mặc dù giúp đỡ thêm ít tiền cho hai mẹ con mua đồ ăn cũng được, nhưng cả thằng bé và mẹ nó đều không nhận. Mẹ nó bảo:

– Chị còn lao động được mà chú, ai cũng phải làm việc mới mong có đồng ra đồng vào chi tiêu.

Giọng mẹ yakult ngập ngừng, tránh ánh nhìn của tôi. Thật tình, tôi với chị cũng chỉ là hai người xa lạ, vì thấy hoàn cảnh hai mẹ con đáng thương, nên tôi cố tình tiếp cận để có thể giúp gì được thì giúp.

Chắc chắn người ta hiểu rõ vấn đề đó, và cũng biết thân, biết phận, khiêm nhường trong thiếu thốn, nên lúc nào chị cũng né tránh những món tiền nho nhỏ tôi dúi cho hai mẹ con.

***

Một sáng chủ nhật an lành, yakult đón tôi và con gái đến nhà chơi. Trong căn phòng ọp ẹp, chỉ có vỏn vẹn mấy bộ đồ, mái tôn lục mủng khắp nơi, cơn nóng ập đến khi chiếc quạt nhỏ xíu không đủ mát cho cả bốn người.

Thằng bé thấy ngại, nó chạy lon ton ra phía sau, khệ nệ bê một chậu nước vào. Nó bảo để quạt hắt vào nước, phả lên sẽ thấy mát hơn. Con gái tôi tò mò tìm hiểu khắp góc nhỏ của yakult, nó lấy sách vở lớp 1 cho em tập học trước, gom đồ ăn và nhiều thứ đồ chơi của mấy bạn hàng xóm gửi tới. Thấy tôi xoay vòng trong căn phòng chật hẹp, mẹ yakult ngại ngùng:

– Chú thông cảm nhé, nhà cửa bừa bộn, cũ kĩ, chẳng tiện lắm, hay mình ra quán cà phê gần đây ngồi cho mát.

Tôi xua tay:

– Trời ạ, chị khách sáo làm gì, dẫu sao cũng biết nhau quá rồi. Nay bé con được nghỉ học, em đưa hai đứa đến chơi cho vui thôi.

Trong ánh nắng dập dìu sớm mai, le lói qua mảng tôn ố những vuông tròn tinh nghịch, hai đứa trẻ ríu rít với nhau cả buổi.

***

Chuyện chẳng lành xảy đến khi hàng xóm đồn tôi có bồ. Vợ tôi vốn chẳng tìm hiểu kĩ vấn đề, chỉ mới nghe thế thôi đã nhảy dựng lên như ai cấu. Quyết tâm đến cơ quan tìm tôi khi tôi đang bận bịu với dự án mới.

Vừa lúc gặp yakult từ đâu đến, nó lon ton mang cho tôi ly nước trà đào, nghe nói tối hôm qua mẹ nó lọ mọ học công thức nấu để chuẩn bị tới mùa nóng mang theo bán thêm, nhờ chú uống dùm xem vị đã chuẩn hay chưa. Thằng bé vừa ló đầu vào phòng, đã bắt gặp ánh mắt sắc lẹm của vợ tôi, em quắc mắt quát nó:

– Con cái nhà ai tới đây, bán nước bán ơ gì chạy vào tận cơ quan cơ đấy?

Tôi ra hiệu cho thằng bé rời đi. Nó nhìn ám hiệu của tôi, lặng lẽ đặt ly trà đào lên bàn rồi ôm vỉ yakult chạy mất hút.

Vợ chẳng cho tôi thời gian giải thích, một mực đòi tìm ra “đối tượng”. Chắc hàng xóm thấy tôi chở thằng nhóc ghé tiệm tạp hóa gần nhà mua mấy thứ đồ lặt vặt, chưa tìm hiểu kĩ đã đoán già đoán non là tôi có con rơi, con vãi.

Rồi cứ thế một đồn mười, chuyện đến tai vợ tôi. Sự ghen tuông vô cớ đã khiến cô ấy không nhận ra vấn đề nằm ở đâu.

***

Mẹ con yakult rời khỏi căn nhà cũ. Khi tôi đưa vợ đến căn nhà đó, gặp gỡ hai mẹ con thằng bé để tỏ rõ vấn đề thì nghe hàng xóm nói họ đã đi từ mấy hôm trước. Có lẽ từ lúc thấy thái độ không vui của vợ tôi, thằng nhóc đã lờ mờ nhận ra điều gì đó không hay xảy đến, nó nói lại với mẹ để bàn hướng lập nghiệp khác.

Vợ tôi ôm mặt khóc nức nở khi đứng trước ngôi nhà xập xệ, nhỏ bé, chẳng cần tôi giải thích câu nào, cô ấy cũng biết được vấn đề nằm ở đâu.

Tôi đứng chôn chân tại chỗ, lặng lẽ nhìn khoảng trống trước mặt. Chẳng biết bao giờ sẽ gặp lại được yakult. Lòng nặng trĩu nhiều ưu tư. Hi vọng ở một nơi ở mới, hai mẹ con lại vui vẻ đèo nhau trên con xe wave trắng, nhanh nhẹn bán hàng, nụ cười trong veo, ấm áp…

Ngô Nữ Thùy Linh

Nguồn Tin:

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *