Nhiều người cho rằng có tài chính ổn định thì tuổi già sẽ an nhàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiền không mua được tất cả – đặc biệt là sức khỏe, mối quan hệ và sự bình yên trong tâm hồn. Dưới đây là chia sẻ chân thành của một người đã trải nghiệm để nhắc nhở về ba điều nên tránh ở tuổi hưu, dù có nhiều tiền đến đâu.
Tôi là Khương Hạ, 62 tuổi, từng là giáo viên trung học tại Nam Ninh, Trung Quốc. Sau hơn ba thập kỷ cống hiến cho ngành giáo dục, tôi nghỉ hưu với mức lương hàng tháng là 7.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 25 triệu đồng), cùng khoản tiết kiệm 560.000 nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ đồng). Với số tiền này, tôi tin mình có thể tận hưởng tuổi già một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên, chỉ sau hai năm nghỉ hưu, tôi ngộ ra một điều quan trọng: dù tài chính vững vàng, nếu phạm phải những sai lầm dưới đây, tuổi hưu vẫn có thể trở thành gánh nặng tinh thần.
1. Chi tiêu không kiểm soát: Cái bẫy “tự thưởng”

Thời điểm nghỉ hưu, tôi cảm thấy mình xứng đáng được tận hưởng. Tôi mua sắm nhiều món đồ đắt tiền: từ tivi màn hình lớn, sofa da cao cấp, đến những chuyến du lịch quốc tế sang trọng. Tôi không tiếc tiền vì nghĩ “mình đã tiết kiệm cả đời”.
Nhưng sau một năm, tài khoản tiết kiệm của tôi “hao hụt” rõ rệt. Trớ trêu thay, nhiều món đồ gần như không dùng đến. Tivi thì tôi hiếm khi mở, sofa thì lại không thoải mái bằng bộ ghế gỗ cũ. Những chuyến đi xa chỉ mang lại cảm giác hào hứng ngắn hạn, rồi để lại một khoảng trống vô hình khi trở về.
Bài học xương máu: Hạnh phúc tuổi già không nằm ở sự xa hoa mà ở trải nghiệm phù hợp và tiết kiệm hợp lý. Giờ đây, tôi chọn tham gia lớp học vẽ, gặp gỡ bạn bè trong những quán cà phê nhỏ – vừa ý nghĩa, vừa tiết kiệm.
2. Sống theo kỳ vọng xã hội: Gánh nặng vô hình
Với thu nhập ổn định, tôi không ít lần bị “mời gọi” tham gia vào các hoạt động xã hội tốn kém. Từ tiệc họp lớp tới việc hỗ trợ người thân, tôi đã không ít lần rút hầu bao chỉ để “giữ thể diện”.
Có lần, tôi chi gần 15 triệu đồng để tổ chức họp lớp 40 năm, nhưng cảm giác nhận lại chỉ là mệt mỏi. Thậm chí, tôi từng cho cháu vay 100 triệu đồng mua nhà và sau đó rơi vào tình huống khó xử khi muốn thu hồi.
Bài học đáng giá: Hưu trí là khoảng thời gian để sống cho bản thân, chứ không phải chiều lòng người khác. Tôi học cách nói “không”, đặt ranh giới rõ ràng và tập trung vào những mối quan hệ thật sự gắn bó. Việc này giúp tôi bảo vệ cả tài chính và sự bình yên nội tâm.
3. Xem nhẹ sức khỏe và các mối quan hệ thân thiết: Cái giá quá đắt

Nghỉ hưu, tôi đắm mình vào các hoạt động xã hội và tin rằng sức khỏe mình vẫn tốt. Tôi bỏ qua các buổi kiểm tra y tế, ít trò chuyện với con cháu vì nghĩ “sau này còn nhiều thời gian”.
Cho đến khi nhập viện vì biến chứng tim mạch và huyết áp, tôi mới nhận ra sức khỏe không thể xem nhẹ. Hơn 70 triệu đồng tiền viện phí là cái giá cho sự chủ quan. Đáng tiếc hơn, những ngày nằm viện, tôi thấy cô đơn vì đã từng bỏ quên người thân trong những năm tháng khỏe mạnh.
Bài học sâu sắc: Giờ đây, tôi ưu tiên kiểm tra sức khỏe định kỳ, ăn uống lành mạnh, và đi bộ mỗi sáng. Cuối tuần, tôi nấu ăn với con cháu, gọi điện hỏi thăm bạn bè cũ – những điều nhỏ bé nhưng mang lại sự gắn kết lớn lao.