Vụ gần 600 loại sữa giả: Sở Công Thương Hà Nội 4 năm không kiểm tra doanh nghiệp vi phạm

<!–

–>

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay lực lượng thanh tra, quản lý thị trường thành phố chưa thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 2 công ty vừa bị khởi tố để điều tra.

Ngày  18/04/2025 tiền Phong đưa tin “Vụ gần 600 loại sữa giả: Sở Công Thương Hà Nội 4 năm không kiểm tra doanh nghiệp vi phạm”. Nội dung chính như sau: 

Liên quan đến vụ sữa giả, ngày 18/4, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản trả lời thông tin liên quan đến quản lý sản phẩm sữa.

Theo Sở Công Thương, ngành y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng (bao gồm cả việc tiếp nhận tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo). Ngành Công Thương chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, sở không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất.

Thanh tra sở, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội chưa thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 2 công ty này trong thời gian từ năm 2021 đến nay.

 

Bên trong nhà máy sản xuất của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Ảnh: Website Hacofood Group.

Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế. Theo quy định, sở không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.

Lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Chuyển 2 vụ việc đến cơ quan điều tra

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, từ năm 2021 đến nay, sở đã tổ chức kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành đối với 289 doanh nghiệp, trong đó đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 47 doanh nghiệp với số tiền gần 400 triệu đồng.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (trước đây là Cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.256 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) và liên quan đến ATTP. Trong đó, đã xử phạt hành chính tổng số tiền 31,7 tỷ đồng, buộc tiêu hủy số tang vật, hàng hóa vi phạm về ATTP trị giá gần 56,7 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận 4 năm không kiểm tra 2 doanh nghiệp vi phạm.

Đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng. Tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là: 5.853 lon, hộp, chai với giá trị 200,1 triệu đồng. Riêng năm 2024, chi cục đã kiểm tra, phát hiện và chuyển 2 vụ việc vi phạm liên quan đến sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng (TPCN) sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Tiền Phong về nội dung này, ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP. Hà Nội – cho biết, trong 573 loại sữa giả phía cơ quan công an thông tin, qua rà soát đơn vị này nhận thấy có 67 hồ sơ của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và 4 hồ sơ của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group công bố tại Chi cục

Từ năm 2021 đến nay, Chi cục ATVSTP TP Hà Nội cho hay đã lấy 4 mẫu của Rance Pharma vào tháng 8/2023 và lấy 1 mẫu của Hacofood Group vào tháng 9/2024 để đi kiểm tra.

“Khi thực hiện hậu kiểm, chúng tôi kiểm tra về điều kiện con người, điều kiện vật chất, trang thiết bị, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, quá trình sản xuất, bảo quản thành phẩm, hóa đơn, chứng từ mua bán, mẫu nhãn sản phẩm có duy trì theo hồ sơ công bố hay không. Tuy nhiên, chi cục chưa phát hiện vi phạm về các nội dung này tại Rance Pharma và Hacofood Group”, ông Trung nói.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô cực lớn với hệ sinh thái 9 công ty và mạng lưới phân phối trải dài trên toàn quốc. Hai bị can được xác định cầm đầu đường dây này là Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà.

Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Ngày 17/4/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Vụ gần 600 loại sữa giả tung hoành suốt 4 năm: Doanh nghiệp chiết khấu 60% chưa kể quà cáp lễ Tết; bác sĩ chỉ định mua uống”. Nội dung như sau:

Những ngày qua, sự việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất hơn 500 loại sữa bột giả tại Hà Nội gây xôn xao dư luận cả nước.

Vấn đề này càng thêm đáng lo ngại khi các loại sữa giả nhắm đến đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền như suy thận, đái tháo đường… Không ít người tiêu dùng bày tỏ sự hoang mang, lo lắng khi đã và đang cho người thân sử dụng một trong các thương hiệu sữa giả thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, anh Nguyễn Văn T., có nhiều năm kinh doanh sữa tại khu vực TT.Văn Giang, và H.Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), cho biết sau khi đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả bị bắt giữ, doanh số kinh doanh nhiều cửa hàng bị giảm đáng kể. 

Chủ cửa hàng này cũng cho biết, những sản phẩm sữa giả được công bố vừa qua chủ yếu đưa về thị trường nông thôn, khu vực người dân chưa có nhiều thông tin so sánh giữa các thương hiệu. Người dân chọn mua loại sữa nào, chủ yếu do tư vấn từ chủ các cửa hàng.

Bên cạnh đó, theo anh T., dù giá bán lẻ của các loại sữa này không hề rẻ, thậm chí ngang ngửa với nhiều thương hiệu sữa ngoại, nhưng vẫn bán khá chạy. 

“Các shop nhiệt tình tư vấn bán hàng cho những doanh nghiệp này bởi chính sách chiết khấu được hưởng rất cao, dao động từ 40 – 60%, chưa bao gồm các chương trình tặng quà tri ân khách hàng vào dịp cuối năm, lễ tết. Trong khi, mức chiết khấu trên thị trường sữa chỉ từ 20 – 25%, bao gồm cả chi phí tổ chức hoạt động chăm sóc khách hàng”, anh T. nói.

Bởi thế mà không ít phụ huynh đã tin tưởng vào lời tư vấn bán hàng của các nhân viên cửa hàng sửa để chọn lựa sản phẩm cho con. Chia sẻ với tạp chí Người đưa tin, chị chị Nguyễn Hồng (30 tuổi, Hà Nội) từ khi con 6 tháng tuổi, chị Hồng đã đi làm và dần giảm sữa mẹ, chị lựa chọn dặm thêm sữa công thức cho con.

Một sản phẩm sữa do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma sản xuất. Ảnh chụp màn hình

Ban đầu chị dự định lựa chọn hãng sữa nổi tiếng của Việt Nam, tuy nhiên khi đến cửa hàng sữa, chị được nhân viên tư vấn giới thiệu loại Colos24h được quảng cáo là sữa non nguyên liệu nhập từ nước ngoài, tiêu hóa tốt, giúp phát triển trí não, tăng cường miễn dịch… Người bán đồng thời còn cung cấp giấy tờ, có dấu chứng minh nguồn gốc, chất lượng đảm bảo nên chị Hồng tin tưởng mua cho con uống.

Thời gian gần đây, khi vụ sữa giả được phát hiện, chị Hồng giật mình khi thấy sữa chị đang dùng nằm trong danh sách này.

“Sức khỏe con tôi thời gian qua khi sử dụng sữa vẫn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, tôi tự vấn bản thân, thương và thấy có lỗi với con khi chính tay mình đẩy con thành nạn nhân của sữa giả. Giá như tôi không nghe lời tư vấn bán hàng, thì con tôi đã không phải là nạn nhân”, chị Hồng tâm sự.

Không chỉ chiết khấu cao cho các cửa hàng bán lẻ sữa bột, mà cá biệt có loại sữa được bác sĩ chỉ định bệnh nhân mua. Đến khi đường dây sản xuất sửa giả bị phanh phui thì người dân mới biết loại sữa đó là một trong gần 600 loại sữa giả. 

Hộp sữa BonLac bà Hương mua theo chỉ định của bác sĩ khi nhập viện mổ chân vào tháng 12/2024

Chia sẻ với báo Thanh niên, bà Vũ Thị Lan Hương, nhà ở chung cư Hòa Bình (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), cho biết năm 2024 bà có 2 lần đi khám và điều trị tại Bệnh viện V.Đ. Lần thứ nhất, bà Hương khám sỏi mật được bác sĩ chỉ định mua sữa uống. Nhưng khi tìm hiểu loại sữa có tên lạ, không phải là hãng sữa có thương hiệu, bà Hương không mua.

Lần thứ hai, tháng 12/2024, bà Hương bị ngã gãy chân, tiếp tục đến Bệnh viện V.Đ để phẫu thuật và bó bột. Ngoài thuốc điều trị, bác sĩ tiếp tục chỉ định mua thêm sữa như lần trước đó.

“Đơn thuốc lần này do người nhà tôi đi mua, đó là loại sữa Bonlac Pro Gold giá hơn 900.000 đồng, nằm trong sản phẩm sữa giả công an công bố. Khi biết tin, gia đình tôi rất bàng hoàng và bức xúc. Khi đã vào viện, bác sĩ chỉ định mua loại sữa nào thì phần lớn bệnh nhân đều tin và mua thôi, nhưng đáng trách là dù rất nhiều bệnh nhân bỏ số tiền lớn nhưng loại sữa họ đã uống lại là sữa giả”, bà Hương nói.

Cách phát hiện sữa giả

Theo bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mặc dù không thể hoàn toàn xác định sữa giả – sữa thật bằng mắt thường, nhưng phụ huynh có thể lưu ý một số yếu tố sau.

Màu sắc và độ mịn: Sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều. Sữa giả có thể có màu lạ, bột thô hoặc vón cục.

Mùi vị: Sữa thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Sữa giả có thể không mùi hoặc có mùi hóa chất.

Khả năng hòa tan: Sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Sữa giả thường nổi bột, khó tan, để lại nhiều cặn.

Bao bì: Sản phẩm chính hãng có in ấn rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin theo quy định. Bao bì sữa giả thường bị mờ, lệch màu, thiếu thông tin bắt buộc.

Nước giặt quốc dân không cần nước xả vẫn thơm, hơn 1,2 triệu người dùng Shopee cho 5 sao!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *